Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Mẫu nam Trung Quốc bị rẻ rúng trên 'sân nhà'

Ngành thời trang Trung Quốc rất ‘sính ngoại’, thậm chí du học sinh nước ngoài ở Trung Quốc cũng được coi trọng hơn mẫu nam trong nước.



Làng thời trang về cơ bản là môi trường lao động chính của nữ giới, nhưng trong những năm gần đây tình hình trên đã được cải thiện khi thị phần dành cho nam giới ngày một khởi sắc. Theo một con số thống kê không chính thức, số lượng người mẫu nam ở Trung Quốc vào khoảng 400.000 người. Mỗi năm có một lực lượng hùng hậu thế hệ người mẫu mới thay thế cho lớp đi trước.




Nói đến giới người mẫu nam ở Trung Quốc, đầu tiên phải nhắc đến nam người mẫu nổi tiếng của những năm 80 như Hồ Binh hay đàn em đang nối gót thành công của anh là Lý Học Khánh (Jed Lee). Ấy vậy nhưng giới người mẫu nam ở Trung Quốc vừa thưa vắng lại khá èo uột, chưa nói đến những người mẫu nổi tiếng càng ít hơn. Phần nhiều trong số họ phải đối mặt với việc phải chuyển nghề để sinh nhai.




Tỷ lệ thành danh đối với người mẫu nam là cực thấp, hơn nữa họ còn phải nuôi gia đình. Đời sống cơ cực của những người mẫu nam hoàn toàn đối lập với nghề. Khi lên sàn diễn, họ khoác trên mình những sản phẩm thời trang cao cấp và đắt tiền, khi trở về cuộc sống hiện thực họ phải nai lưng với cuộc sống vất vả khó khăn thường nhật.






Giới mẫu nam Trung Quốc phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong nghề.




Nhận xét về giới người mẫu nam một cách châm biếm, người mẫu Hầu Ba nói: “Giới người mẫu chúng tôi đang tồn tại hiện tượng rất nực cười. Sau khi kết thúc vòng casting, người mẫu nữ đồng loạt đi về hướng bên trái, người mẫu nam đi ra phía phải. Phía trái là bãi đỗ xe, trong khi phía phải là bến chờ xe bus. Tình trạng giới người mẫu là như vậy đấy”.




Thông thường, một người mẫu nam khi ký hợp đồng với công ty sẽ không được ký lương bảo đảm. Tháng 3 và tháng 10 hàng năm là thời kỳ nở rộ của tuần lễ thời trang ở Trung Quốc, cũng là khi các mẫu nam tranh giành để có được suất diễn, nhiều người thậm chí tự hạ giá để có show. Những mùa khác, họ phải sống lay lắt với vài show không ổn định và tự bươn mình bằng nhiều nghề khác nhau.




Vào mùa tháng 3 và tháng 10, trung bình mỗi show diễn, một mẫu nam kiếm được từ 800 – 2.000 NDT (3-6 triệu đồng), số tiền này còn chưa bị phía công ty quản lý của họ chiết khấu ăn bớt. Khi chụp hình tạp chí, sách ảnh, họ nhận được từ 800 – 1.000 NDT (3-4 triệu đồng) theo số liệu 2012.




Lý Học Khánh đã qua thời kỳ hoàng kim, anh giờ đây hoạt động như một nam người mẫu bình thường khác tại một công ty người mẫu ở Bắc Kinh. Hàng ngày, Lý Học Khánh vẫn phải tập luyện, casting như bất kỳ người mẫu nào, thậm chí còn phải kiêm thêm làm trợ lý studio hay dựa vào blog để kiếm thêm thu nhập sống. Anh từng bị đánh bật tại một cuộc thi người mẫu vì cứng đầu chống lại quy luật ngầm trong giới.




Là một người mẫu nổi tiếng, bạn bè đều cho rằng chắc hẳn Lý Học Khánh kiếm được rất nhiều tiền. Nghe thấy những điều này, anh xót xa và rớt nước mắt hỏi ngược lại: “Ai nói với cậu làm mẫu kiếm được nhiều tiền đến vậy. Những lúc tôi chịu khổ chịu nhục thì mọi người đâu ai biết. Ngay đến sự kiện tuần lễ thời trang, một năm chỉ có hai lần vào tháng tháng 3 và tháng 10. Làm người mẫu chỉ biết nhăm nhăm chực vào hai tháng này, mong có nhiều show diễn”.




Lý Học Khánh chia sẻ, nếu có khoảng 60 show diễn, người mẫu nam chỉ được diễn một phần nhỏ trong con số 60 trên. Có lẽ không ai dám tin vào con số 5 – 6 show mà mẫu nam được diễn. Còn lại hơn 50 show diễn đều là thời trang nữ. Như vậy có thể thấy “đường sống” cho những người mẫu nam là quá chật hẹp.






Hồ Binh, siêu mẫu nổi tiếng một thời trong giới mẫu nam Trung Quốc.




Có thể lấy một ví dụ tại các triển lãm xe hơi, một nữ người mẫu có kinh nghiêm trung bình có thu nhập đủ thể mua được một chiếc xe giá vừa, thế nhưng người mẫu nam thì khó lòng được như vậy. Có thể so sánh nhu cầu về người mẫu giữa nữ và nam là 10:1. Hơn nữa, về thu nhập một show diễn xe hơi của một siêu mẫu nam cũng chỉ khoảng 10.000 NDT trở lên (khoảng 34 triệu đồng), một tháng chỉ có tầm 2-3 show, thu nhập từ 69-103 triệu đồng.




Trường hợp mẫu nam A Vỹ, 25 tuổi có chiều cao 1,91m, anh từng tốt nghiệp Học viện thể dục thể thao tỉnh Hà Nam, chuyên ngành bơi lội. Ngoại hình điển trai, thân hình chuẩn là những tiền đề thuận lợi cho A Vỹ tiến thân vào làng mẫu. Năm 2003, chị gái đã đăng ký cho A Vỹ tham dự cuộc thi người mẫu do một showroom xe hơi 4S tổ chức, từ đó A Vỹ đã gắn với nghiệp mẫu như một cái duyên tự lúc nào không hay.




Năm 2006, A Vỹ vì muốn tìm thêm nhiều cơ hội để theo đuổi con đường trở thành người mẫu chuyên nghiệp, anh đã chuyển đến Bắc Kinh, làm việc cật lực trong suốt 5 năm với đủ các sự kiện như hội chợ cưới, tuần lễ thời trang, triển lãm xe hơi… đến nay A Vỹ cũng có chút tên tuổi trong làng mẫu ở đây.




Gần đây, A Vỹ chạy như con thoi giữa các sự kiện: “Giờ đang là mùa cao điểm, công việc cũng nhiều hơn một chút”, A Vỹ cười cho biết. Trong giới mẫu nam, sự nghiệp của A Vỹ cũng được xếp vào thứ hạng cao ở Trung Quốc. Bình quân mỗi tháng thu nhập của anh ở khoảng 70.000 – 80.000 NDT (240 – 270 triệu đồng). Thế nhưng A Vỹ cũng chủ coi đây là một nghề phụ, bởi theo anh thì: “Chỉ dựa vào thu nhập từ nghề mẫu thì rất khó để sống ở thành phố đắt đỏ như Bắc Kinh”.




A Vỹ chia sẻ thêm, ở hàng siêu mẫu, thu nhập có thể lên đến từ 103-275 triệu đồng một tháng. Thế nhưng, cũng giống như những người làm công ăn lương khác, mẫu nam ngoài việc phải chi trả tiền thuê nhà đắt đỏ hàng tháng, công việc thì thời vụ. Hơn nữa, làm trong giới thời trang nên ai cũng theo đuổi những mẫu trang phục đồ hiệu cho riêng mình:




“Có một vài người chịu sống trong những khu nhà sập xệ, nhưng kiếm được đồng nào là họ liền đi mua quần áo mới đắt tiền”, A Vỹ tiết lộ. Bản thân anh  cũng là một người trẻ bốc đồng và không kiềm chế được trước ma lực của thời trang đồ hiệu, về cơ bản mà nói, tiền kiếm được rồi cũng phải tiêu.






Một người mẫu nam khi ký hợp đồng với công ty mẫu sẽ không được ký lương bảo đảm.




Ngành thời trang nam ở Trung Quốc có xu hướng “sính ngoại” khi thích tuyển người mẫu nam ngoại quốc nhằm phủ lên show diễn mác thời trang quốc tế giả tạo. Lý Học Khánh lên án cách làm trên của những người có thế lực trong làng thời trang Trung Quốc. Anh cực lực phản đối khi cho rằng, ngay đến bản thân sản phẩm của Trung Quốc còn không trọng dụng và ủng hộ người mẫu trong nước thì chẳng trách người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng thích mua sắm hàng ngoại nhập.




Lý Học Khánh giải thích hiện tượng trên, tại các tuần lễ thời trang xuất hiện rất nhiều các sản phẩm thời trang, để mong thích ứng và hợp với tiêu chuẩn quốc tế, các nhà may Trung Quốc đã không dùng người mẫu nam trong nước, thay vào đó họ sử dụng toàn bộ người mẫu phương Tây.




Thậm chí cả những du học sinh nước ngoài đang sinh sống và học tập ở Trung Quốc còn được trọng dụng hơn cả người mẫu nam Trung Quốc. Những người mẫu nước ngoài đến Trung Quốc để hành nghề cũng không phải trường hợp ngoại lệ, họ được chào đón như những món hời, được trả cát-xê cao, được trọng dụng, được xuất hiện tại nhiều show diễn. Trong khi mẫu nam Trung Quốc lại bị rẻ rúng và ghẻ lạnh.




Đây là một thực tế, khi ngành thời trang và nhiếp ảnh ở Trung Quốc ưa sử dụng những gương mặt người mẫu đến từ phương Tây hơn cả. Những du học sinh người nước ngoài học tập tại Trung Quốc hay người nước ngoài lao động ở đây, chỉ cần có chiều cao trên 1,85m, hình thể cân đối cũng có thể dễ dàng làm người mẫu như một nghề bán thời gian. Hơn nữa, họ lại có thu nhập khá, có thể tương đương với mức thu nhập của các người mẫu nam có tiếng ở Trung Quốc:




“Mọi người thấy đấy, bản thân người mẫu nam chúng tôi chỉ có 5 – 6 show diễn, trong khi người ta lại trọng dụng người mẫu nước ngoài, như vậy chúng tôi may mắn lắm chỉ nhận được một show. Tiền cát-xê biết được bao nhiêu không? 800 tệ (2,7 triệu đồng) cũng có, nhiều nhất là 3000 tệ (10 triệu đồng). Chúng tôi cũng phải sống, phải thuê nhà, “nuôi” xe. Hỏi như vậy liệu có sổng nổi không?”, Lý Học Khánh tâm sự.




Theo Khám Phá




Mẫu nam Trung Quốc bị rẻ rúng trên "sân nhà"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét