Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Váy cuốn liền, 'cơn sốt' 30 năm của làng thời trang

Chiếc váy đơn giản ôm gọn thân hình phái đẹp ban đầu chỉ là ý tưởng tình cờ nảy ra trong đầu nhà thiết kế.



Nhắc đến Diane von Furstenberg, giới mộ điệu thời trang nhớ ngay tới người đã tạo nên “cơn sốt” váy cuốn liền vào những năm 1970-1980. Không chỉ giúp thiết kế Mỹ vươn lên top đầu trong làng thời trang, chiếc váy cuốn “kinh điển” hiện vẫn là một trong những mẫu trang phục nữ tính được nữ giới ưa chuộng. Tuy vậy, ít người biết nhà thiết kế người Mỹ đã tạo ra bộ trang phục “hút hồn” làng mốt chỉ nhờ sự tình cờ.





Công nương Kate Middleton trong bộ váy cuốn liền thanh lịch. Ảnh: SS




Bắt đầu bước chân vào ngành công nghiệp thiết kế đầu thập kỷ 70, Diane von Furstenberg khởi đầu với 30.000 USD tại Thụy Sĩ. Tuy vậy, tài năng của bà chỉ thực sự được khẳng định sau khi cùng chồng đến New York. Lúc đó, Diana Vreeland, cựu tổng biên tập Vogue, khi nhìn thấy các thiết kế của Diane von Furstenberg đã thốt lên: “Đẹp ngỡ ngàng”. Điều này giúp tên tuổi nhà tạo mẫu được xuất hiện trong tuần lễ thời trang New York, và tạo động lực cho Diane tiếp tục bước theo con đường thiết kế và kinh doanh thời trang.




Năm 1974 được coi là mốc đánh dấu cho thành công của Diane von Furstenberg trong làng mốt thế giới. Trong một dịp, bà tình cờ thấy Julie Nixon Eisenhower, con gái tổng thống Nixon, mặc áo cuốn và chân váy cuốn trên TV. Ngay lúc đó, câu hỏi tại sao không kết hợp hai loại trang phục này làm một bỗng nảy lên trong đầu nhà thiết kế. Kết quả là ý tưởng bất ngờ giúp tên tuổi của Diane von Furstenberg nổi như cồn vào 1974, kéo theo sự thay đổi hoàn toàn về gu thẩm mỹ của phụ nữ Mỹ lúc bấy giờ.






Váy cuốn liền của Diane von Furstenberg tạo nên “cơn sốt” kéo dài trong làng thời trang. Ảnh: Refinery29




Với kiểu dáng dài tay, cao đến đầu gối và may bằng vải jersey, mẫu váy của Diane von Furstenberg được những người yêu váy áo thời đó miêu tả là trang phục tân thời, vừa đủ lịch sự để mặc đến công sở lại vô cùng quyến rũ khi tham dự các buổi tiệc. “Cơn sốt” váy cuốn liền khuynh đảo làng thời trang vào giữa những năm 1970. Đến năm 1975, công ty của Diane bán được 15.000 bộ váy cuốn liền mỗi tuần. Một năm sau đó, thương hiệu của bà đã bán được tổng cộng 5 triệu bộ váy. Tiếng vang thương hiệu giúp gương mặt Diane von Furstenberg xuất hiện trên khắp các tờ báo lớn như Newsweek hay The Wall Street Journal.




“Tôi nghĩ thiết kế váy cuốn liền có tính ứng dụng cao. Thậm chí thời đó, mọi người yêu thích tới nỗi mặc tràn lan như ‘đồng phục’ vậy. Cứ bước vào một tòa nhà nào đó, tôi đếm được khoảng 20 đến 30 phụ nữ mặc váy cuốn liền, bất kể già hay trẻ, gầy hay béo, giàu hay nghèo”, Diane hồi tưởng.





Diane von Furstenberg được coi là nhà thiết kế hàng đầu trong làng mốt hiện đại. Ảnh: Mauvert.




Thiết kế váy cuốn liền thăng hoa đỉnh điểm vào cuối những năm 1970. Mẫu trang phục cổ chữ V ôm dọc cơ thể trở thành biểu tượng của cuộc phong trào giải phóng phụ nữ ở Mỹ. Diane von Furstenberg lúc đó cũng trở thành biểu tượng nữ quyền cho thế hệ thời đó. “Váy cuốn liền không chỉ đơn thuần là một bộ trang phục, nó còn thể hiện tinh thần của những người phụ nữ tự do. Điều đặc biệt ở bộ váy này là nó có phom dáng truyền thống. Nó vừa giống các trang phục toga (trang phục La Mã cổ) hay kimono vậy, không có cúc mà cũng chẳng cần phéc-mơ-tuya, nhưng cũng rất đỗi khác biệt nhờ may từ vải jersey và ôm sát lấy cơ thể”, Diane giải thích.




Cuối những năm 1990, váy cuốn liền của Diane von Furstenberg truyền cảm hứng cho thương hiệu Sissy-Boy tạo ra váy tricot có kiểu dáng ôm hơn ở phần đùi để phù hợp với thị trường Hà Lan. Bên cạnh đó, một số hãng khác cũng bắt đầu may thiết kê váy gốc bằng các loại vải hiện đại hơn, nổi bật là chất liệu shantung.




Ngắm thêm các thiết kế váy cuốn đẹp mê hồn




Thành Trương




Váy cuốn liền, "cơn sốt" 30 năm của làng thời trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét