Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Thiết kế thời trang Việt Nam: Chơi hay thi?

(Thethaovanhoa.vn) – Project Runway mùa đầu vừa kết thúc, các nhà thiết kế Việt Nam lại lập tức có thêm sân chơi mới – Ngôi sao thiết kế thời trang (Fashion Star) vừa xong giai đoạn tuyển sinh để bước vào cuộc đua chính thức. Vậy là cả hai cuộc thi đình đám trong giới thời trang quốc tế đã có mặt ở Việt Nam, nơi mà ngành thiết kế thời trang bao lâu nay vẫn giậm chân ở vị trí…non trẻ.


Trên thực tế, thời trang Việt Nam dù non trẻ, đã có những cuộc thi thiết kế thời trang “made in Vietnam” từ nhiều năm trước.


Từ thuần Việt đến thuần ngoại


Năm 1999, Vietnam Collection Grand Prix mùa đầu tiên tổ chức từ sự khởi xướng của nhà thiết kế Minh Hạnh và Viện mẫu Fadin, được sinh viên đang theo học ngành thời trang, mỹ thuật, các nhà thiết kế trẻ và công chúng đón nhận nhiệt thành. Sức hút đến từ sự mới mẻ, hấp dẫn vào thời điểm ấy của hai chữ “thời trang”. Những năm đầu tổ chức, cuộc thi đã đã mang đến cho làng thời trang các nhà thiết kế đầy tiềm năng: Lê Thanh Phương, Công Trí, Nguyên Sa, Nguyễn Quốc Bình…. Đặc biệt trong số đó, nhà thiết kế Công Trí (đoạt giải Ý tưởng cuộc thi năm 2000) đến giờ phút này vẫn có vị trí vững chắc trong làng thời trang, anh luôn được mời trình diễn trong những show thời trang lớn.


Không chỉ thu hút các nhà thiết kế trong nước ngồi vào vị trí giám khảo, cuộc thi còn mời được các giảng viên thời trang, nhà thiết kế từ Anh, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc… tham gia chấm thi, tạo sự hào hứng cho thí sinh. Ngoài việc là cái nôi cho các nhà thiết kế, cuộc thi còn tác động đến sự hình thành của đội ngũ người mẫu. Đầu những năm 2000, được tham gia trình diễn tại Vietnam Collection Grand Prix là vinh dự mà bất cứ người mẫu nào cũng mong muốn.




Các người mẫu trình diễn BST mang về cho Jefrey Sebelia ngôi quán quân Project Runway Mỹ 2006


Năm 2010, sau 11 lần tổ chức, cuộc thi bất ngờ dừng lại do nhiều nguyên nhân, trong đó lớn nhất là sự hụt hơi của chính cuộc thi này trước sự thay đổi như vũ bão của thời trang, nhất là khi Vietnam Collection Grand Prixvẫn giữ tiêu chí tôn vinh những bộ sưu tập mang tính ý tưởng, trang trí nhiều hơn tính ứng dụng. Bản thân các nhà thiết kế được giải ở cuộc thi này cũng hiếm người phát triển được sự nghiệp kinh doanh, Nguyễn Công Trí là một trong số hiếm đó. Tuy vậy, trong lần cuối cùng được tổ chức, Vietnam Collection Grand Prix vẫn thu hút tới cả chục ngàn mẫu phác thảo dự thi từ các thí sinh trong cả nước, cho thấy giấc mơ thời trang cũng hấp dẫn không kém giấc mơ ca hát bao nhiêu.

Trong làn sóng đổ bộ của các chương trình truyền hình thực tế những năm gần đây, thời trang cũng là một điểm nóng. Và thế là 4 năm sau khi cáo chung, Vietnam Collection Grand Prix đã có người thay thế – Project Runway. Với format nước ngoài, nhất là việc đề cao tính giải trí trên truyền hình, Project Runway dĩ nhiên khác nhiều so với “người tiền nhiệm”. Thay thế cho những cây đa cây đề trong dàn giám khảo, là những tên tuổi “hot” trên sàn diễn và thị trường thời trang. Còn người dự thi, chỉ những ai có thể làm từ A đến Z tất cả các khâu để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh mới mong bước chân qua vòng sơ loại. Nói cách khác, nếu thí sinh của cuộc thi thuần Việt có thể chỉ cần biết…vẽ thì thí sinh của Project Runway phải là người đã có nghề. Thay cho những chủ đề mang nhiều tính tưởng tượng, ý tưởng hơn là thực hành ở Vietnam Collection Grand Prix như “Sự cân bằng” (2006), “Không gian” (2007) hay “Tiên phong” (2009), Project Runway ra các đề bài cụ thể như yêu cầu tạo ra một trang phục mới từ những trang phục cũ, tạo ra bộ sưu tập theo đặt hàng của một công ty thời trang hoặc làm đồ dạ hội cho một nữ doanh nhân đi dự tiệc… Theo dõi qua các vòng thi, những thí sinh vẫn hiểu thời trang là trang trí, là để phô diễn những ý tưởng cầu kỳ và làm chỉ để thoả mãn chính mình… đều dần dần bị loại khỏi cuộc chơi. Nhìn sản phẩm cuối cùng của 3 thí sinh đứng đầu cuộc thi này thì thấy rõ tính ứng dụng và khả năng kinh doanh được đặt lên hàng đầu, tuy rằng vẫn quá sớm để khẳng định các nhà thiết kế này có thành công khi thật sự bước chân vào ngành thời trang.


Mới đây, Fashion Star phiên bản Việt – Ngôi sao thiết kế Việt Nam chiêu mộ người chơi với thông báo khá hấp dẫn ngoài số tiền thưởng lên đến 1,5 tỷ đồng: các nhà thiết kế tham gia sẽ được tiếp xúc với các nhà đầu tư là những nhãn hàng thời trang đình đám của Mỹ: HM, Macy’s và Saks Fifth Avenue (giống như format của Mỹ). Đặc biệt hơn, đại diện của 3 thương hiệu này sẽ đấu giá các mẫu thiết kế của thí sinh ngay trên sân khấu và các sản phẩm này cũng có ngay khách hàng là khán giả xem truyền hình nếu họ muốn mua. Và yêu cầu tuyển người chơi là: Có kinh nghiệm làm việc trong ngành thời trang, từng thiết kế cho các công ty hoặc cho chính thương hiệu của mình có sản phẩm đang tham gia thị trường; ưu tiên những thí sinh đã giành được giải thưởng từ những cuộc thi về thời trang ở trong và ngoài nước. Họ phải gửi mẫu phác thảo 2 bộ sưu tập theo 2 chủ đề “Thời trang cao cấp – Haute couture” và “Thời trang sản xuất hàng loạt – Ready to wear”.


Có thể nói từ Vietnam Collection Grand Prix đến Project Runway rồi Fashion Star chính là 3 cấp độ phát triển cần có của một nhà thiết kế: bắt đầu từ vẽ, tiếp đến là hiện thực hóa các bản vẽ thành mẫu trang phục và cuối cùng là bước vào đại lộ thời trang với những cơ hội thật sự.


Cơ hội lớn từ giấc mơ Mỹ?


Xuất hiện ở Mỹ từ năm 2004, Project Runway đã tạo ra một vài tên tuổi trong đó có Chloe Đào, một nhà thiết kế gốc Việt, người đã ngồi ghế nóng của PR phiên bản Việt. Chloe Đào lọt top 3 cuộc thi năm 2005 và 2 năm sau, tận dụng sự nổi tiếng từ cuộc thi, cô giới thiệu bộ sưu tập thời trang dành cho phụ nữ mang tên Simply Chloe Dao, tiến hành việc tiếp thị qua hệ thống bán hàng trên truyền hình QVC với giá chỉ dao động từ 30 đến 75 USD/sản phẩm.Việc tấn công thị trường mua sắm qua truyền hình kết hợp với việc gìn giữ mối liên hệ với các đại gia bán lẻ truyền thống như Bloomingdales, Macy”s hay Saks Fifth Avenue cho thấy Đào là người có tài năng tiếp thị khác biệt. Nhưng nổi bật hơn cả là Jeffrey Sebelia – quán quân cuộc thi năm 2006. Trước khi đi thi, anh này đã có thương hiệu Cosa Nostra với kiểu cách hầm hố, pha nhiều chất liệu thời trang từ thời nhạc punk, rock’n roll đến cả hip-hop… Khá nhiều nghệ sĩ đã tìm đến anh như Dave Navarro, Gwen Stefani, Jennifer Lopez, Elton John, Madonna… Nhưng Sebelia chỉ thật sự nổi tiếng toàn cầu từ sau khi chiến thắng ở Project Runway. Hiện Sebelia đã mở 26 cửa hàng khắp thế giới. Tổng biên tập tờ thời trang danh tiếng Cliché, Jeremy Fall, đã trực tiếp phỏng vấn Sebelia và sau đó gọi anh là nhà thiết kế hứa hẹn nhất của lứa những nhà thiết kế mới. Năm 2009 Sebelia ra mắt dòng thời trang mới lấy tên mình, Jeffrey Sebelia và cũng rất được ưa chuộng.


Còn Fashion Star, mới trải qua 2 mùa ở Mỹ nhưng 2 nữ quán quân đều có những thành tích đáng nể. Quán quân mùa đầu Kara Laricks đã có được hợp đồng 6 triệu USD với vài hãng thời trang. Mùa 2, Hunter Bell thu được 3 triệu USD từ các hợp đồng.


Nhìn nhận những cuộc thi với format đề cao tính giải trí này luôn có các luồng ý kiến trái chiều, Việt Nam không ngoại lệ. Nhưng cũng giống như các cuộc thi hát format nước ngoài đang rần rần trên truyền hình hiện nay, dù mục đích sâu xa căn bản của các nhà sản xuất là rating và doanh thu từ quảng cáo thì cũng không thể phủ nhận được việc có những người chơi biết tận dụng cơ hội để tỏa sáng và bước thẳng vào con đường chuyên nghiệp như Uyên Linh.


Còn các nhà thiết kế Việt, liệu họ có nắm được cơ hội từ những giấc mơ Mỹ?


Dương Vân Anh
Thể thao Văn hóa Cuối tuần










Thiết kế thời trang Việt Nam: Chơi hay thi?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét